Những điều chủ xe cần lưu ý khi đi đăng kiểm xe ô tô 2023
Đăng kiểm xe ô tô là một trong những quy trình quan trọng và bắt buộc theo quy định pháp luật. Để quy trình này diễn ra đúng thủ tục và quy định, chủ xe cần chú ý các thông tin liên quan.
Vì sao cần đăng kiểm ô tô?
Đăng kiểm xe ô tô là quy định bắt buộc mà chủ xe phải tuân thủ. Điều này đảm bảo phương tiện đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật, bảo vệ môi trường để được phép lưu thông trên đường.
Khi các chủ xe làm thủ tục đăng kiểm ô tô, nhân viên đăng kiểm sẽ kiểm tra tổng quát, khí thải, tiếng ồn theo quy định.
- Nếu đạt các tiêu chuẩn đăng kiểm: Chủ xe sẽ được cấp mới hoặc gia hạn giấy đăng kiểm trước đó.
- Nếu không đạt các tiêu chuẩn đăng kiểm: Chủ xe sẽ phải hoàn thiện những lỗi chưa đạt thì mới được cấp giấy đăng kiểm xe ô tô.
Quy trình kiểm định ô tô
Quy trình kiểm định ô tô là những bước kiểm tra theo tuần tự do đơn vị có thẩm quyền thực hiện, bao gồm:
Kiểm tra tiêu chuẩn môi trường
Hạng mục kiểm tra này đánh giá khí thải và tiếng ồn của xe. Các chi tiết kiểm tra bao gồm: còi điện, khí thải động cơ xăng, khói động cơ dầu... nhằm đảm bảo tuân theo các quy chuẩn bảo vệ môi trường hiện hành.
Kiểm tra tổng quát xe
Công đoạn này bao gồm kiểm định các hạng mục: lốp xe, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, thùng xe để đảm bảo các hạng mục này duy trì chất lượng, khả năng hoạt động tốt.
Kiểm tra phần trên của xe
Các hạng mục kiểm tra bao gồm: kính chắn gió, gạt nước, vô lăng lái, trục lái... đảm bảo các phần này hoạt động an toàn, đúng kỹ thuật.
Kiểm tra trượt ngang bánh xe dẫn hướng, phanh xe
Công đoạn này sẽ kiểm tra tiêu chuẩn trượt ngang của bánh xe, hiệu quả phanh chân, phanh tay và độ lệch giữa hai bánh xe trên trục của phanh để duy trì các quy định an toàn kỹ thuật.
Kiểm tra phần dưới của xe
Kiểm tra các bộ phận chính của xe là: Rô tuyn lái, nhíp, các đăng... đảm bảo các bộ phận không bị lỏng, gãy, xô lệch và đủ tiêu chuẩn lưu thông trên đường.
Lưu ý trước khi đi đăng kiểm xe ô tô
- Lau sạch biển số xe, số máy, số khung để giúp nhân viên dễ dàng kiểm tra.
- Mở cabin và kiểm tra mức nước làm mát động cơ, nước rửa kính, dầu phanh, dầu trợ lực và các dấu hiệu khác trong khoang động cơ. Nếu có vấn đề thì nên thay thế hoặc thêm dung dịch phù hợp trước khi đăng kiểm.
- Kiểm tra kỹ phần cần gạt nước và phun nước đảm bảo hoạt động bình thường, không có dấu hiệu hư hỏng.
- Đo áp suất của lốp xe để căn chỉnh và tạo mức áp suất lốp phù hợp. Đồng thời chủ xe nên kiểm tra kỹ bánh xe để đảm bảo không có dấu hiệu lệch.
- Kiểm tra trước về phần nội và ngoại thất xe trước khi đăng kiểm.
Ngoài ra, chủ xe cũng nên tham khảo quy định về các trường hợp ô tô bị từ chối đăng kiểm để khắc phục và tiết kiệm thời gian trong quá trình thực hiện.
Mức phạt nếu không đăng kiểm ô tô
Xe quá hạn đăng kiểm được ghi trên tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó, cả tài xế và chủ xe đều bị xử phạt với các mức phạt theo từng trường hợp:
Đăng kiểm xe ô tô hết hạn sử dụng dưới 01 tháng
Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với tài xế nếu điều khiển xe có đăng kiểm ô tô hết hạn sử dụng dưới 1 tháng. Đồng thời, phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Về phía chủ xe, phạt từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với cá nhân, 8.000.000 - 12.000.000 đối với tổ chức. Trường hợp chủ xe là lái xe, phạt với mức phạt của chủ xe đồng thời tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Đăng kiểm ô tô hết hạn hơn 01 tháng
Phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng với người điều khiển ô tô có đăng kiểm xe hết hạn hơn 1 tháng. Người lái xe sẽ bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Về phía chủ xe, phạt từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với cá nhân, 12.000.000 - 16.000.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp chủ xe là lái xe, áp dụng mức phạt cho chủ xe đồng thời tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.